TOÁN HỌC CÓ THỂ GIÚP GÌ CHO CÔNG VIỆC CỦA MỘT DESIGNER?

Published by:

Tôi ghét Toán học.

Toán học là một môn vô cùng ức chế. Thật vô nghĩa khi phải dành quá nhiều thời gian để giải toán trong khi có cả tá việc khác cần làm. Nhưng thật ra, bạn có thể tạo ra nhiều concept hay ho nếu có kiến thức về môn toán.

Lúc còn là sinh viên, tôi có học một lớp nghệ thuật tương tác, học cách viết mã bằng Processing để trở thành một nghệ sĩ sáng tạo. Tại đây, tôi đã phát hiện ra những tác phẩm tuyệt vời của Marius Watz – được tạo ra từ chính các công thức toán tôi từng chán ngán.

Marius Watz <BValSys> 2010

Là một sinh viên tham vọng, tôi cố hết sức lặp lại kiểu phong cách này mà không hiểu sin cos là gì.

Cough Cough, Double for loop

Thật ra, tôi khá tự hào với thành phẩm của mình. Trông chúng thú vị và mất ít thời gian hơn so với khi làm bằng Illustrator và Photoshop. Tuy nhiên, tôi nhận ra nếu không hiểu hình học, không cách nào để tôi đạt đến đẳng cấp của Marius Watz.

Lượng giác luôn là môn học đáng sợ nhất đối với tôi. Nhưng kệ đi, nếu có thể tạo ra mấy thứ hay ho như vậy, tôi sẵn sàng bán cả linh hồn để học.

Tôi bắt đầu học toán lại từ đầu

Tôi khuyên bạn nên học toán qua video.

Tìm tài liệu để học không ngờ lại dễ đến vậy. Nếu bạn thấy người đọc có chất giọng buồn ngủ và nội dung khó hiểu, vẫn luôn có các cách học khác, như tôi chọn xem một kênh Youtube của một giáo viên dạy toán người Hàn (vì tôi hiểu nội dung sách giáo khoa và thuật ngữ toán bằng tiếng Hàn).

Tôi không nghĩ việc học thú vị đâu, nhưng tôi hiểu những gì Marius Watz đã làm. Khi ông dùng cosine cho vị trí x và sine cho vị trí y, ông đang đặt dấu chấm vào một vòng tròn!

Thay vì dùng số, ông dùng biến số lượng giác để đặt dấu chấm vào vòng tròn!

Lần áp dụng toán học đầu tiên

Thậm chí sau khi đã hiểu lượng giác cơ bản, tôi vẫn không đủ tự tin để áp dụng vào thiết kế. Tôi quyết định sẽ thử bất cứ điều gì dù có vẻ ngớ ngẩn và buồn cười. Kết quả là chẳng có tính thẩm mỹ chút nào, như bạn thấy.

http://share.framerjs.com/ejaybmwm4k95/

Tôi: LOL. Thật ngớ ngẩn. *đăng lên facebook*

(vài phút sau)

Tôi: có người thích á?!

(vài giờ sau)

Tôi: Chắc mọi người nghĩ mình giỏi toán!

Đây là lần đầu tiên tôi nhận ra chia sẻ một điều mà bạn nghĩ là ngu ngốc cũng có thể truyền cảm hứng cho người khác. Điều này tiếp thêm động lực để tôi tạo ra nhiều concept và học thêm về hình học cơ bản.

Hình tròn xoay là một ví dụ tốt để thực hành lượng giác

Nếu bạn không biết nên làm gì sau khi học lượng giác, hãy làm hình tròn xoay. Tôi dùng Framer để làm.

Tạo chuyển động tròn xoay là hoạt động yêu thích của tôi, có cảm giác sang chảnh hơn vòng tròn xoay bình thường cũng không khó thực hiện. Bạn chỉ cần nghĩ đến 3 việc.

1. Hình tròn xoay sẽ có bao nhiêu điểm?
2. Chúng nên ở đâu trên vòng tròn?
3. Bạn định làm chuyển động lặp lại thế nào?

https://framer.cloud/ZePNP/
http://share.framerjs.com/e9f5sfvmrapa/

Sau khi nghiên cứu xong hình tròn, tôi chuyển sang hình tam giác

Các công cụ đóng vai trò quan trọng khi bạn tạo hình hình tam giác/hình sao/hình đa giác. Có một số công cụ mà bạn có thể chỉ cần gõ hai điểm, và sẽ có một đường thẳng nối hai điểm đó.

Trong trường hợp của tôi, Framer không phải là công cụ làm được điều này. Thay vào đó, tôi có thể vẽ một hình chữ nhật và xoay nó đến một độ nhất định để nó trông như đường thẳng.

Lúc đầu, tôi tập vẽ nhiều hình khác nhau dựa trên hình tam giác
https://framer.cloud/rJ68Ono4g/

Chinh phục toán học thật ra chỉ là dạng thức khác của việc chinh phục những hạn chế!

Với tôi đó chính là hình đa giác!

Đến lúc này, tôi bắt đầu nói với những người khác rằng tôi thích toán học. Tôi đã học đa giác và tạo ra nhiều concept trong kỳ nghỉ Giáng sinh của mình. Đây là môn học hấp dẫn nhất mà tôi đã học cho đến nay.

https://framer.cloud/H1fWocJSg/

Trước khi tìm hiểu về hình đa giác, chúng giống như máy cắt bánh quy. Tôi chỉ cần mở Photoshop, Illustrator hoặc Sketch, sau đó chọn công cụ tạo hình đa giác. Tôi có thể thay đổi các số góc từ 5 đến 12, như thể bạn chọn một máy cắt bánh từ tủ đồ dùng. Đó là tất cả những gì tôi biết về đa giác.

Cấu tạo hình đa giác

Sau khi nghiên cứu xong hình đa giác, tôi nhận ra rằng đa giác là cấu trúc đẹp của hình tam giác. Chúng đang chờ tôi phát triển thành một hình khác!

Nghiên cứu hình vòng cung

Như tôi đã đề cập, có một số công cụ cho phép bạn vẽ một đường từ điểm A đến điểm B. May mắn thay, Processing là kiểu công cụ như thế! Vẽ vòng cung bằng Processing thật sự dễ, và Processing còn thúc đẩy mặt sáng tạo của việc sử dụng toán học nữa.

Tác phẩm đang trong quá trình thực hiện

Mặc dù Processing hơi lỗi thời so với hiện nay, điều hay nhất khi sử dụng Processing là bạn có thể xuất bản vẽ dưới dạng file pdf. Điều này cho phép bạn thêm nhiều chi tiết vào tác phẩm bằng cách sử dụng các công cụ khác như Illustrator và Photoshop.

Tạo hình của riêng tôi

Hiểu được lượng giác, hình tam giác và đa giác có nghĩa là bạn có thể vẽ bất kỳ thứ gì bằng cách kết hợp chúng lại với nhau.

Ngoài ra, bạn có thể tự tạo tạo ra những bức ảnh nhỏ hài hước nữa.

Mascot của Olympic 1988
Mascot của Olympic 1988

À, một điều hay ho khác sau khi học về hình học, đó là bạn sẽ dễ dàng hiểu về kiến trúc hơn.

Tôi diễn giải phong cách kiến trúc của khu Ginza, Tokyo

Học rồi có áp dụng được không?

Câu trả lời là có. Nếu bạn học thứ bạn không thích, bạn phải chắc chắn kiến thức học được đủ thực tiễn để áp dụng vào công việc.

Với tôi – lúc này đang thiết kế các ứng dụng điện thoại – tôi ngạc nghiên khi thấy nhiều ứng dụng dùng hình học trong thiết kế UI. Hơn nữa, bạn có thể dễ dàng chia sẻ kiến thức với các nhà phát triển (developers), vì hầu hết ngôn ngữ lập trình trong lĩnh vực này đều hiểu thuật ngữ toán học cả.


Người dịch: Long Hwarang
Nguồn: Jinju Jang | Medium.com