[REVIEW GAME] ORI AND THE BLIND FOREST: GAME HÀNH ĐỘNG ĐẶC SẮC

Published by:

Hình thành từ sự hợp tác quốc tế giữa các developer trên toàn thế giới – được biết đến với tư cách Moon Studios – Ori and the Blind Forest mang lại cho ta cảm giác phiêu lưu trong thế giới ban sơ từ hàng thập kỷ trước, mang theo lòng sùng kính thần linh, gói gọn bên trong những hình ảnh đẹp mắt và lộng lẫy nhất.

Tác giả: Arthur Gies


Ori and the Blind Forest bắt đầu vào một đêm mưa khi cơn bão cuốn đi chiếc lá thần kỳ trên Cây Linh Hồn (Spirit Tree) đến khu rừng bên dưới. Chiếc lá lớn lên trở thành sinh vật giống mèo mang tên Ori. Cậu bé được Naru tốt bụng tìm thấy và nuôi dưỡng, cô coi Ori như con đẻ của mình. Cả hai sống hạnh phúc cho đến một đêm, khi Spirit Tree bị đốn ngã khiến khu rừng trở nên mù loà và thoi thóp. Khi tất cả mọi thứ Ori quan tâm đang gặp nguy hiểm, cậu được gặp thần Sein và bắt đầu chuyến hành trình cứu Spirit Tree để bảo vệ khu rừng mình hằng yêu quý.

Đây không phải là một cốt truyện hứa hẹn, thật sự là vậy, nhưng Ori and the Blind Forest hay ho hơn nhiều vì hai lý do sau.

Đầu tiên là nhờ tạo hình và tính cách của Ori cùng các nhân vật khác trong khu rừng. Moon Studios đã dành đủ phần dạo đầu trong game để xây dựng cốt truyện, nên đến khi mọi thứ bắt đầu gặp hiểm nguy, ta ngay lập tức bị cuốn vào câu chuyện. Ori thể hiện nhân vật với sự quan tâm và tôn trọng, tỏ rõ động lực và tính cách mỗi cá nhân dù trong game hầu như không có lời thoại nào cả. Có rất nhiều kẻ xấu trong khu rừng, nhưng không có hẳn một kẻ xấu chủ đạo, thật vậy.

Lý do thứ hai rất rõ ràng ở cái nhìn đầu tiên: Ori and the Blind Forest vô cùng đẹp. Từ phong cách nghệ thuật đặc sắc và ấn tượng cho đến từng nhân vật, và lối diễn hoạt linh động nhằm khám phá tính cách nhân vật, thứ bù đắp cho sự thiếu hụt lời thoại trong game là một phương pháp vô cùng thành công. Ngoài ra, Ori and the Blind Forest còn tạo nên những cảm xúc lắng đọng nhờ dàn nhạc giao hưởng đầy xúc cảm.

 

Trớ trêu thay, dù diễn hoạt nhân vật và âm nhạc rất ấn tượng, tôi vẫn bị mê hoặc nhiều hơn bởi thế giới trong game. Ori and the Blind Forest sử dụng góc máy di chuyển ngang – hiệu ứng parallax scrolling (hiệu ứng sử dụng nhiều hình ảnh nền rồi cho chúng cùng lúc di chuyển song song với những tốc độ khác nhau, tạo ra ảo giác về chiều sâu khi nhìn vào) theo cách tôi chưa bao giờ thấy, sắp lớp hàng trăm chuyển động li ti mọi nơi trong thế giới game. Kết quả tạo nên một không gian vô cùng sống động. Mọi thứ dường như đang rung rinh, chuyển động, sẵn sàng di chuyển bất cứ lúc nào ta chạm đến. Tôi chắc rằng có vài bức ảnh tĩnh trong game, nhưng không thể nào nhớ rõ.

Có rất nhiều hướng khám phá trong Ori and the Blind Forest. Bạn tha hồ đi đến bất cứ nơi đâu từ điểm bắt đầu, bạn hoàn toàn không bị hạn chế bởi những bức tường vô hình, mà chỉ đơn thuần vì giới hạn sức vóc của Ori. Khi gặp một chướng ngại mình không thể vượt qua, hay một địa điểm không thể chạm đến, đó là vì bạn chưa tìm ra kỹ năng cần thiết để đạt được nó. Càng chơi lâu, Ori sẽ tìm thấy nhiều khả năng mới như nhảy tường, khả năng trôi bồng bềnh và nhiều thứ khác nữa.

Nhưng Ori and the Blind Forest không chỉ đơn giản sử dụng khả năng như một công tắc bật-mở đến khu vực mới, hoặc sử dụng cùng một công cụ nhiều lần tương tự nhau. Thay vào đó, game bắt bạn sử dụng các kỹ năng mới trong kho vũ khí của Ori ngay khi vừa mới đạt được chúng, dù trong những cảnh đối đầu với kẻ thù nhỏ hay các thử thách kết hợp sẽ giết bạn ngay lập tức nếu người chơi mắc phải quá nhiều sai lầm.

Tôi cũng phải nhắc bạn rằng Ori and the Blind Forest hoàn toàn không phải là một game dễ. Theo thống kê trong quá trình chơi game, số lần tôi bị đánh gục là 308 lần trong lượt chơi đầu tiên.

Đúng vậy. Ori giết bạn thường xuyên đến nỗi nó ghi chú lại liên tục, một điểm khá giống với những game như Dark Souls 2.

Cũng đáng để chỉ ra rằng bắn nhau và đấu đá không phải là mục tiêu của Ori. Thực tế, trong khi những game khác sẽ đặt các đối thủ khó vào để đánh gục người chơi bằng sức mạnh, Moon Studios lại đưa vào những câu đố khó nhằn để đánh lạc hướng người chơi. Sẽ có những màn đấu trùm trong Ori – những cảnh mà bạn phải cố gắng đi tiếp hoặc nếu không sẽ bị giết, mặc dù vậy chạy đến sai nơi cũng khiến bạn mất mạng.

Tôi không muốn làm khó bạn: Đây là game thiết kế theo mô hình thử-và-sai. Bạn sẽ chết, rất nhiều lần, cho đến khi nhận ra những điều cần thiết cần làm để vượt qua thử thách Ori đặt ra.

Dù vậy, hoàn thành tốt các thử thách trong Ori sẽ khiến bạn phấn khích, vì nó hoàn toàn không dễ chút nào. Ori đề cao tầm quan trọng của thời điểm và tính linh hoạt để có thể ứng phó với càng nhiều tình huống càng tốt. Thậm chí cách chơi game lặp đi lặp lại khi đấu với những kẻ thù thường gặp cũng đòi hỏi sự quyết định trong từng giây từng phút rằng bạn sử dụng khả năng của mình linh hoạt đến đâu hơn là việc chỉ “bắn kẻ thù”.

Ori and the Blind Forest muốn khiến mọi thứ khác đi một cách hợp lý. Ví dụ thế này: Ori không bắn trực tiếp – thay vào đó, cú tấn công đến từ Sein, vị thần bay phía trên Ori. Điều này yêu cầu người chơi phải tính toán kỹ lưỡng hơn và hiểu rõ khả năng những nơi mình có thể hoặc không thể đánh. Điều này tuy không thực sự sâu sắc hay tạo nên cơ chế thay đổi mạnh mẽ, nhưng nó thay đổi cách thức chơi đủ nhiều để khiến game trở nên đặc biệt hơn hẳn các sản phẩm cùng thể loại.

Cấp độ khó còn nâng lên khi tồn tại một nguồn năng lượng save game. Ori có thể sử dụng bể năng lượng hạn chế để tạo nên các điểm save game quanh Blind Forest, và càng ngày Ori sẽ có nhiều năng lượng để save nhiều hơn. Nhưng cùng bể năng lượng đó có thể dùng để tấn công ngay lập tức mỗi khi kẻ thù xuất hiện bất ngờ. Vì vậy, bạn phải sử dụng điều này thật khéo léo.

Tôi nghĩ rằng Ori and the Blind Forest đã làm rất tốt với thời lượng chơi ngắn ngủi của mình. Qua 7 tiếng rưỡi, tôi đã hoàn thành gần 90% đoạn đường trong game. Và khi nó kết thúc, tôi vẫn nhớ mãi các nhân vật, họ là ai, họ làm gì và tôi đang làm gì.

Ori and the Blind Forest là một trong số ít các game thiết kế đẹp mắt và chất lượng tại những phân khúc mà tôi không ngờ đến, thể hiện một mức độ tự tin rất cao vào điều game là gì và đang làm gì. Và thật sự, tôi ước gì mình đừng quá vội vàng review game như vậy, vì còn vô vàn chi tiết để khám phá và trầm trồ trong game!

Nguồn: Polygon – Dịch: IDesign – Chilaxu