QC VÀ NHỮNG ĐIỀU CHƯA KỂ

Published by:

Blog hôm nay viết về một vị trí vô cùng quan trọng trong ngành công nghệ thông tin, đó chính là QC – Quality Control, vị trí đảm bảo chất lượng.
Cùng tìm hiểu một chút về công việc này qua lời phỏng vấn của các QC nhà GNT bạn nhé!

QC tại GNT chiếm 4-5% trên tổng toàn bộ số lượng nhân viên, vì số lượng ít nên đôi khi họ có vẻ bị “áp đảo” giữa rừng developer và designer hùng hậu.
Thế nhưng, vị trí và tầm quan trọng của họ thì hoàn toàn “không phải dạng vừa đâu”!

Dàn trai xinh gái đẹp của team QC và Dev

💡 QC là làm gì nhỉ?

Nói một cách nôm na thì QC (Quality Control) chính là người kiểm soát và đánh giá, đảm bảo chất lượng trước khi giao sản phẩm đến khách hàng/ người sử dụng.
Không chỉ riêng mảng Công nghệ thông tin mà tất cả các ngành khác đều có thể có bộ phận QC, thường được biết với tên gọi tắt là KCS.

💡 Một ngày làm việc của QC tại GNT?

Chi tiết công việc cơ bản của một QC:

  • Nhận yêu cầu dự án
  • Phân tích yêu cầu
  • Phát triển/ thiết kế test case
  • Thực thi test case
  • Báo cáo lỗi
  • Đóng góp ý kiến cho dự án được tốt hơn

“Cũng như các thành viên khác trong team, sau khi nhận được yêu cầu dự án, mình sẽ tiến hành phân tích và tìm hiểu mong muốn của khách hàng, sau đó lên kế hoạch và chuẩn bị các công cụ để kiểm thử. Mình sẽ xem sản phẩm chạy đúng yêu cầu không, cần cải thiện những gì, tìm cách ‘phá’ để xem còn lỗ hổng nào cần phải sửa chữa. Và nếu đã trót lọt qua được các vòng này thì tèn ten… sản phẩm sẵn sàng bàn giao để đưa lại khách hàng”

Bạn Thảo – QC cho biết.

“Tìm bug và ‘dí’ dev là 2 đầu công việc thường trực của mình!”

Bạn Thắng – QC dí dỏm trả lời.


💡 QC thú vị? QC nhàm chán?


Việc kiểm thử chất lượng sản phẩm có tính chất lặp đi lặp lại khá nhiều nên đòi hỏi người theo nghề phải có tính nhẫn nại, chăm chỉ và kiên trì! Minh chứng cho điều này, xin được trích ý kiến từ một QC để người đọc có cái nhìn khách quan hơn:

“Ví dụ: Kế hoạch test có 1000 test case, mỗi khi có sự thay đổi về yêu cầu hoặc cập nhật tính năng mới liên quan, tụi mình sẽ phải test lại từ đầu 1000 test case đó! Hoàn toàn không khó nhưng vô tình lại gây ra sự nhàm chán cho mình.”

Bạn Thanh Bình – QC tiết lộ.

Và đôi khi sự nhàm chán miễn cưỡng này của QC lại xuất phát từ các yếu tố bên ngoài, từ những lỗi sai nho nhỏ của các chàng Dev dễ thương chẳng hạn:

Đôi khi mình phải bắt những lỗi cơ bản, ví dụ như khách hàng yêu cầu màu đỏ nhưng Dev thay đổi sai màu! Hay những lúc QC và Dev chưa hiểu ý nhau, việc thảo luận và giải thích cũng tạo ra những áp lực không nhỏ”

Bạn Thanh Vân bày tỏ.

Nguồn: DBWebSolutions.com


Cảm giác nhàm chán và thú vị xen lẫn nhau trong quá trình làm việc, không chỉ riêng ngành QC mà bất cứ nghề nghiệp nào cũng có. Những bản thảo, yêu cầu của khách hàng dài hàng trang giấy, những lần kiểm thử lặp đi lặp lại…dù các QC có siêu nhân đến mấy cũng có lúc thấy mệt mỏi, bạn nhỉ!
Thế nhưng, đừng vì những cảm xúc tiêu cực nhất thời đó mà bỏ lỡ những điều thú vị sau đây, ý kiến được chia sẻ dưới góc nhìn của các QC đang làm việc tại GNT:

“Đối với mình, làm QC hoàn toàn không nhàm chán! Nếu thật sự có cảm giác đó thì có thể do tinh thần và sức khỏe không tốt mà thôi! Thực tế thì việc test nhiều đã giúp mình có thêm kinh nghiệm, tư duy và suy nghĩ nhanh nhạy hơn!”

“Công việc luôn tiếp xúc với công nghệ mới, từ game, app, web…với đủ ti tỉ thể loại nhu cầu của con người, mọi thứ luôn rất thú vị và mới mẻ, kích thích sự tò mò của mình!”

QC và Dev trong một dự án tại công ty


“Thông thường team chỉ có một QC nên tụi mình được ‘cưng như cưng trứng, hứng như hứng hoa’, mình được các anh Dev đẹp trai hỗ trợ nhiệt tình, tất cả vì dự án chung.”

“Thú vị ở chỗ là bạn có thể biến hóa thành nhân vật phản diện trong tích tắc nếu như Dev không chịu sửa lỗi”

Và nếu bạn nghĩ QC giống như những chú robot khô khan chỉ biết cắm cúi vào máy tính làm việc thì sai lầm nhé!
QC tại GNT rất đa tài và năng nổ, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp QC ở các câu lạc bộ thể thao (chạy bộ, đá bóng,…), các hoạt động văn nghệ (hát, nhảy…) ở sự kiện công ty, hay chỉ là một QC nép mình trong góc nhỏ đọc sách,…

Thành viên QC tham dự mùa giải đá banh 2019

💡 “Developers make, Testers break” ?

Sở dĩ có định kiến “Developers make, testers break” là bởi hai bộ phận Dev và QC đứng ở hai chiến tuyến trên phương diện chức năng công việc.
Dev làm tính năng và tạo ra sản phẩm, QC lại “moi móc” khuyết điểm, tìm lỗi dựa trên sản phẩm Dev đã làm.

“Vì QC phải đóng vai phản diện khi kiểm tra, tìm ‘bug’ và đứng trên cương vị của người dùng cuối để đảm bảo không có lỗi xảy ra, do đó thỉnh thoảng sẽ xảy ra bất đồng quan điểm với Dev”

“Tùy thuộc vào sự gắn kết đồng đội và cách giao tiếp mà đôi khi không khí sẽ căng thẳng nếu Dev không chịu sửa lỗi mà QC yêu cầu”

Nguồn: DBWebSolutions.com


Thế nhưng, thực tế là QC và Dev tại GNT đều sẵn lòng hợp tác để hướng tới mục đích cuối: Cùng nhau tạo sản phẩm tốt nhất cho khách hàng.
Hơn nữa, dàn trai Dev nhà GNT rất dễ thương, bạn muốn biết họ dễ mến ra sao? Click vào 👉 https://www.gnt.com.vn/blog/hr/tai-sao-nen-date-chang-trai-gnt để hiểu thêm bạn nhé!

“Quan niệm Dev và QC không hợp nhau là sai lầm hết sức!! Suy cho cùng thì chất lượng sản phẩm và niềm tin của khách hàng là quan trọng nhất. Vậy nên, cả hai phải cùng là một phe chứ, trên công việc lẫn bàn nhậu!”

Thanh Vân – QC hài hước chia sẻ.

Gắn kết team bằng những buổi họp mặt

💡 Các đặc điểm cộp mác một QC

  • Kỹ năng chuyên môn, kỹ năng phân tích
  • Kỹ tính, tỉ mỉ, cầu toàn
  • Chăm chỉ, nhẫn nại
  • Giao tiếp tốt
  • Ngoại ngữ

Thiếu một trong những yếu tố này thì công việc kiểm tra chất lượng sản phẩm sẽ có nhiều rào cản, dễ bị sót lỗi dẫn đến dự án không hiệu quả.

Những nụ cười tươi rói cùng GNT

Hỏi: Bạn chọn lựa công việc QC có dựa trên những đặc điểm tính cách trên?

“Trước khi theo nghề, mình thấy bản thân có những đặc điểm, khả năng đáp ứng được công việc nên mạnh dạn trở thành QC, nghề dạy cho mình thêm nhiều thứ mới, cũng như mài dũa và củng cố thêm những cái mình đã có sẵn. Việc thận trọng, chi tiết dần dần trở thành thói quen của mình.”

“Tính cách sẽ giúp công việc QC trở nên trơn tru và tốt hơn. ‘Siêng năng, tỉ mỉ, cẩn thận’, những tính cách đó đã thôi thúc mình đến với nghề.”

Hỏi: QC tác động đến cuộc sống của bạn như thế nào?

“Mỗi khi chơi game hoặc sử dụng bất kỳ ứng dụng nào, mình sẽ để ý xem nó có dễ dùng hay không, có lỗi gì không, phải đẹp mới chịu dùng, đúng là bệnh nghề nghiệp mà!”

“Từ ngày lựa chọn bước chân theo nghề QC thì mình học được cách kiềm chế cảm xúc và cải thiện kỹ năng giao tiếp!”

“Công việc QC kích thích sự tò mò, nhu cầu khám phá mọi thứ xung quanh nhiều hơn! Vì với tốc độ tăng nhanh đến chóng mặt của công nghệ thì lượng kiến thức cũng phải tăng dần theo để đáp ứng công việc. Có tò mò khám phá, luôn tự vấn về những điều xung quanh thì mới phát triển và có nhiều phát kiến mới!”

💡 Có phải ai cũng làm được QC?

Định kiến “làm QC rất dễ” xuất phát bởi nhiều nguyên nhân.
Có thể chúng ta bị đánh lừa bởi những nội dung ứng tuyển QC “không yêu cầu kinh nghiệm”, có thể do suy nghĩ sai lầm rằng QC chỉ kiểm tra phần “hậu kỳ”, bởi sự không rõ ràng về đóng góp trong sản phẩm, hay những định kiến có Dev tạo sản phẩm thì mới có QC để kiểm tra…

Nguồn: Pinterest

Thật ra không có thước đo nào có thể khẳng định làm nghề QC khó hoặc dễ, cũng không có câu trả lời chính xác nào cho việc “có phải ai cũng làm được QC?”, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chính bạn.

“Nếu bạn biết định hướng sớm, nếu bạn đủ nghiêm túc và yêu thích nghề, biết đầu tư thời gian và có thái độ tư duy tốt, bạn sẽ làm được QC”

Chị Oanh – leader team QC cho biết.


💡 Khó khăn, thử thách và bài học kinh nghiệm

👉 Giao tiếp với Developer

Đây là một điều chắc chắn QC nào cũng cần phải học.

Để có thể duy trì thái độ hòa nhã, “dĩ hòa vi quý”, làm việc suôn sẻ và hợp tác hỗ trợ lẫn nhau thì QC phải biết cách giao tiếp khéo léo, xác định mục đích chung của hai bên là tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất, phải biết cách “lựa lời mà nói” để tránh xảy ra bất đồng, đặc biệt là những khi phát sinh lỗi nằm ngoài yêu cầu kiểm tra của khách hàng.

👉 Xác nhận thông tin cẩn thận

Nguồn: Pinterest

“Có lần sau khi đọc yêu cầu nhỏ từ khách hàng, cả team Dev và QC đều hiểu và bắt tay vào làm ngay, tới lúc giao hàng mới nhận ra là có sự hiểu nhầm với đội khách, gây ra những sai sót không đáng có. Từ đó, tụi mình luôn dành thời gian trao đổi, xác nhận với khách hàng trước cho dù là các chi tiết nhỏ, để tránh lãng phí thời gian và công sức mọi người.”

👉 Áp lực đảm bảo chất lượng sản phẩm

Rất khó để khẳng định khi nào thì test xong, bởi bug luôn rình rập. Thời gian ước lượng cho việc kiểm thử không nhiều, tính cách cầu toàn và đòi hỏi sự hoàn hảo trong chất lượng sản phẩm vô hình tạo nên những áp lực không nhỏ.

“Khi test bị sót bug (lỗi) hoặc dự án đến tay khách hàng còn bug, bạn phải là người chịu trách nhiệm về chất lượng, đó là những khó khăn và thử thách lớn nhất khi làm của mình”

Và nếu không biết cách triệt tiêu những cảm xúc tiêu cực hay giải tỏa áp lực sau những buổi OT dài dằng dặc thì rất khó để QC có thể giữ năng lượng cho bản thân!

“Phương châm của mình là chỉ cho phép bản thân sai một lần một chỗ thôi, nếu còn tái phạm lỗi này nữa thì phải xem lại bản thân để khắc phục.”

“Mình thích đọc sách, làm thơ, thích trang trí vun vén nhà cửa, đó là một trong những ‘tip’ giúp phục hồi năng lượng của mình!”

Vậy nên, hãy hiểu cho QC những ngày họ trở nên “khó tính” nhé!

Nguồn: Pinterest

👉 Kỹ năng chuyên môn, kiến thức xã hội, tầm nhìn xa

Khi làm QC phải đóng rất nhiều vai, khi thì dùng kiến thức chuyên môn để thực hiện yêu cầu, khi thì đứng trên nhiều góc độ của người dùng để thử cảm giác của họ, khi thì phá phách để đảm bảo sản phẩm đang ở một độ an toàn nhất định, từ đó có những đóng góp để sản phẩm tốt hơn, nhiều người sử dụng hơn.

“Nếu có sự tỉ mỉ và khó tính nhưng không có nền tảng kỹ thuật thì dễ gặp khó khăn trong việc trao đổi, nếu có kỹ thuật mà không có cách nhìn trên nhiều góc độ thì sẽ không nhìn ra những điểm thiếu sót, khó có các đề xuất cải tiến mới”

Không chỉ riêng về mảng test mà các kiến thức kĩ thuật hay xã hội, mỗi QC đều phải nắm được! Phải có tầm nhìn bao quát trong nhiều khía cạnh về sản phẩm mình đang làm thì mới có thể hiểu và có các đề xuất cải tiến cho sản phẩm tốt hơn.

“ Bên cạnh mảng QC theo hướng Manual truyền thống thì cũng có những QC theo hướng Automation, tất nhiên họ phải có nền tảng mạnh về việc coding như các Dev”

💡 Chia sẻ và lời kết

Chị Ngô Thị Oanh, leader team QC với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề chia sẻ thêm:

  • Thứ nhất: Phải xác định rõ ràng mục tiêu nghề nghiệp, nghiêm túc đầu tư kiến thức chuyên môn. Cơ hội không đến với những người lơ mơ, nửa vời.
  • Thứ hai: Ngoài công việc trên công ty thì phải chịu khó tìm hiểu thêm về testing để nâng cao hiểu biết, đừng giới hạn bản thân hay đợi chờ.
  • Thứ ba: Khi làm việc, thái độ và kỹ năng giao tiếp là điều quan trọng. Đây là điểm cộng lớn trong các kỳ đánh giá.

“Chị phỏng vấn các vị trí QC, thấy thực tế thì nhiều bạn chỉ làm việc trên công ty mà không có kế hoạch trau dồi hay học tập thêm. Nên nhớ là các bạn đi làm chứ không phải đi học, không được có suy nghĩ đợi chờ ai đó hoặc chờ công ty dạy cho mình. Ngược lại, các bạn nên tự học tập và đóng góp cho team, công ty.”

Nguồn: Pinterest

Vị trí công việc của QC không phải ai cũng có thể đảm nhiệm được, đặc biệt là trong các dự án quy mô lớn và phức tạp.
Với những kỹ năng chuyên dụng và cách nhìn tỉ mỉ cẩn trọng, luôn đặt mình vào tâm thế của người dùng cuối trong tất cả mọi tình huống, QC có những kỹ năng riêng biệt mà Controller hoặc Dev hoặc bất kì ai thực hiện kiểm thử cũng đều không thể sát sao bằng.

Mỗi vị trí đều có chức năng và nhiệm vụ riêng biệt, hoàn toàn không thể thay thế, bạn nhỉ!

💡 Bên lề: Tin tuyển dụng QC

Bên cạnh công việc kiểm thử trông có vẻ khô khan đó là những QC dễ thương, năng động, họ tràn đầy năng lượng, họ tinh nghịch nhưng không kém phần sâu sắc, bình tâm.
Bạn có muốn trở thành thành viên của biệt đội này?

Xem thông tin chi tiết tại: https://gambaru.io/en/job-detail/game-tester-1596616348



Theo lbazingan

Leave a Reply