Hiện đại và lịch sự nhưng không hề mất đi nét truyền thống trong văn hóa ứng xử của những công ty Nhật Bản, đã tạo nên một bản sắc văn hóa riêng không pha trộn với bất kì nền văn hóa nào dù là phương Đông hay phương Tây.
Trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay, việc học hỏi các quốc gia tiến bộ là xu hướng thức thời. Và văn hóa văn phòng Nhật Bản là ví dụ điển hình nên học hỏi, trân trọng. Người Nhật vốn được biết đến với sự nghiêm khắc và nghiêm túc trong công việc. Giờ giấc của người Nhật bao giờ cũng đúng răm rắp nhưng không vì thế mà họ thiếu đi nụ cười thân thiện, thoải mái.
1. Thấm nhuần động lực qua các khẩu hiệu
Nhiều doanh nghiệp Nhật có thói quen bắt đầu ngày làm việc mới bằng việc xếp thành hàng và hô to câu khẩu hiệu của công ty. Bề ngoài có vẻ như đây là hoạt động mang tính hình thức nhưng đây chính là cách để nâng cao tinh thần làm việc của anh em. Hơn thế, một ngày mới bắt đầu, nhân viên bao giờ cũng ghi nhớ trong tâm trí mục tiêu của công ty.
Mỗi lần ngồi vào bàn làm việc, bạn hãy tự nhắc nhở bản thân về công việc sẽ phải làm. Luôn làm tươi mới các mục tiêu lâu dài trong tâm trí bạn. Bạn nên ghi mục tiêu của công ty vào một quyển sổ tay để theo dõi xem những gì mình làm có phù hợp với mục tiêu ấy không. Nếu không, chắc chắn rằng những công việc lặt vặt hàng ngày sẽ xóa nhòa hoặc làm lu mờ những mục tiêu ấy.
2. Nghiêm túc trong công việc
Người Nhật rất coi trọng công việc. Họ nổi tiếng là những người làm việc rất hăng say và thường rời văn phòng về nhà rất muộn. Người Nhật còn nổi tiếng là những người thể hiện tình cảm rất chừng mực. Ngoại trừ đôi lúc cười đùa, nhân viên xứ hoa anh đào không thể hiện tình cảm ra ngoài, đặc biệt là trong các cuộc họp.
Trong văn hóa công sở, hầu như không có chuyện va chạm cơ thể giữa các đồng nghiệp. Họ nói chuyện bằng giọng thấp, có chừng mực và thường nhắm mắt lại khi thể hiện sự chú ý tới người nói – một thói quen mà nhiều người nhầm lẫn là dấu hiệu của sự chán nản.
Tất nhiên, một không khí quá nghiêm túc khiến bạn có cảm giác ngột ngạt và không nhất thiết phải quá khắt khe. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn có thể cư xử thoải mái như ở nhà. Hãy tạo cho mình thói quen làm việc chuyên nghiệp nơi công sở để nâng cao hiệu quả công việc.
3. Tôn trọng người đi trước
Người Nhật có thói quen học hỏi từ những thế hệ đi trước. Trong cuộc họp, các nhân viên thường trực tiếp nêu ý kiến của mình tới lãnh đạo cấp cao của công ty nhưng mục đích của họ là để giải trình, xin lời khuyên, tư vấn chứ không phải để gây chú ý của sếp.
Ngay trong cách chào hỏi, chuyện trò, người Nhật luôn thể hiện thái độ tôn trọng người lớn tuổi, khi cúi đầu chào, với những người có thâm niên ít năm hơn thì càng phải cúi thấp hơn. Văn hóa công sở của Nhật Bản luôn thể hiện sự tôn kính và coi trọng những người có địa vị cao bởi sự thông thái, từng trải và những đóng góp quan trọng của họ cho công ty.
Nếu không bằng lòng với người quản lý, hãy thẳng thắn góp ý với riêng cá nhân đó nhưng đừng bao giờ đòi hỏi quyền vị trước đông người, nhất là để xảy ra tranh cãi. Ở doanh nghiệp nào, văn hóa tôn trọng người lớn tuổi, có thâm niên trong nghề cũng nên được đề cao.
4. Sống vì tập thể
Nếu như người Mỹ đề cao vai trò cá nhân thì người Nhật lại coi trọng giá trị tập thể, luôn hướng đến sự đồng tâm hợp lực để đạt được kết quả cao nhất. Nhiều nhà quản lý Tây Âu khi đến Nhật Bản làm việc đã thất bại khi áp dụng cách quản lý chú trọng vai trò cá nhân mà quên đi tầm quan trọng của tập thể.
Bạn cũng nên học từ người Nhật việc phát huy tinh thần đồng đội bởi ngày nay, làm việc theo team-work là một hình thức phổ biến và quan trọng. Nếu quá chú trọng đến vai trò cá nhân, một doanh nghiệp sẽ thất bại vì mọi người chỉ quan tâm đến thành tích của riêng mình. Họ không quan tâm đến kết quả của công việc chung, không biết vì tập thể mà chỉ ích kỷ chăm chăm thu vén cho mình. Điều quan trọng là chúng ta biết cách cân bằng hai khái niệm “tập thể” và “cá nhân” đó.
5. Coi trọng hình thức
Sự coi trọng hình thức được xem là một đặc điểm thể hiện văn hóa Nhật Bản. Chú ý đến hình thức bên ngoài là phép lịch sự thể hiện việc giữ gìn phẩm chất con người, nhất là trong môi trường kinh doanh. Trang phục phù hợp với hoàn cảnh, gọn gàng, sạch sẽ ảnh hưởng quan trọng đến uy tín của cá nhân và của công ty.
Trong việc giáo dục, đào tạo nhân viên, có công ty còn chú ý đến việc hướng dẫn chi tiết từ trang phục đến cách để đầu tóc, móng tay. Phương châm của người Nhật là xuất phát từ hình thức, có nghĩa là bắt đầu từ việc hoàn thiện hình thức, sau đó tiếp tục cụ thể hóa dần nội dung.
6. Làm hết sức, chơi hết mình
Sau một ngày làm việc cật lực, các nhân viên Nhật Bản không ngại tìm cách giải tỏa stress . Họ thường đến các quầy bar để trút bầu tâm sự.
Một điểm đến được ưa thích khác là các quán karaoke. Tại đây mọi người được thoải mái hát hò. Việc ca hát thỏa thuê này ngoài việc giúp họ lấy lại cân bằng sau một ngày làm việc vất vả còn là dịp để họ cùng chia sẻ thông tin, thắt chặt tình bạn hay củng cố tinh thần đồng đội.
Giải trí là một phần quan trọng không kém trong một ngày làm việc, giúp giải tỏa căng thẳng và giữ thăng bằng trong công việc. Bạn hãy nhớ, khi đi chơi hoặc làm bất kỳ việc gì với đồng nghiệp, bạn hãy luôn là một phần không tách rời của nhóm.