Tâm sự của một coder hơn 30 năm kinh nghiệm cho thấy lý do của điều đó
Đối với một coder, làm việc ban ngày hay ban đêm không quan trọng bằng việc lắng nghe cơ thể mình và tìm ra được khung thời gian tối đa hóa được hiệu suất làm việc của mình.
Có một câu nói vui rằng:
Quả thật với những con cú đêm như các lập trình viên, café không chỉ là một thức uống thông thường, nó còn là nhiên liệu để họ có thể hoạt động hết công suất của mình vào ban đêm.
Nhưng tại sao ban đêm lại là thời điểm ưa thích của các lập trình viên như vậy? Khó có thể nói điều này đúng với mọi người, nhưng lời tâm sự trên trang Quora của một lập trình viên gạo cội với hơn 30 năm kinh nghiệm như Max Kielland dưới đây có thể cho chúng ta thấy một phần lý do của việc này.
“Tôi chỉ có thể nói về điều này dựa trên trải nghiệm của bản thân với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề lập trình. Rất nhiều nhà quản lý, CEO và đồng nghiệp đã cố gắng đưa tôi tới văn phòng “vào giờ làm việc” và tất cả đều thất bại – CẢM ĐỘNG QUÁ. Trong văn phòng, tôi hoàn toàn bị phân tâm và cho đến khi tôi tìm thấy “dòng suy nghĩ” của mình, một số nhân viên bảo vệ sẽ tống tôi khỏi tòa nhà vì đã đến giờ đóng cửa.
Trở thành lập trình viên không giống như lật chiếc hamburger hay bất kỳ công việc nào khác, khi bạn chỉ cần hoàn thành các việc định sẵn và về nhà. Lập trình là một quá trình sáng tạo và có tính trừu tượng cao. Đọc tốt các dòng code cũng giống như đọc thơ, và cũng giống như bất kỳ nghệ sĩ nào khác, như họa sĩ, nhà văn, nhà thiết kế, … chúng tôi không thể sáng tạo và năng suất 100% trong thời gian từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều.
Chúng tôi đều cần các môi trường khác nhau để thúc đẩy và kích thích trí óc mình. Khi tôi bị mắc kẹt ở đâu đó, tôi chỉ cần đánh lạc hướng bản thân bằng cách dành thời gian với bạn bè, đi xuống phố kiếm ít café, nhìn ngắm mọi người và thư giãn. Tôi biết tiềm thức của tôi vẫn sẽ tiếp tục xử lý công việc đang dang dở và một giải pháp từ hư không có thể đột ngột nẩy ra trong tâm trí tôi.
Tuy nhiên điều này có thể gặp một chút khó khăn khi vào giữa đêm trong một thành phố nhỏ đang yên giấc ngủ.
Làm đêm sẽ khiến coder không phải dán các tờ cảnh báo không làm phiền trên lưng như thế này nữa.
Vì vậy khi mọi đồng nghiệp, CEO và các nhà quản lý của tôi từ bỏ việc lôi kéo tôi đến văn phòng và để tôi tự do, tôi đã quẳng luôn đồng hồ và chuông báo thức đi. Tôi lên giường khi mệt và ngủ đến khi nào tôi muốn và sau đó dậy làm việc. Giữa trưa hoặc đêm đều không quan trọng, tôi chọn cách lắng nghe cơ thể mình hơn. Điều đó khiến tôi có năng suất cao nhất và tôi chọn làm việc từ đêm cho đến ban ngày. Lúc đó sẽ:
– Không ai gọi điện.
– Không cần trả lời email.
– Không cần nói chuyện.
– Không ai nhìn qua vai bạn (không phải lo lắng về điều gì).
Tôi cũng làm việc ở nhà khi nào mệt, dù sao cũng chỉ cách cái giường vài mét thôi mà. Điều này giúp giải tỏa cơn stress mà tôi phải chịu đựng suốt cả một đêm mệt muốn chết trước khi tôi đi ngủ.
Ngay cả khi đi on-site cho khách hàng nước ngoài (tôi đi du lịch rất nhiều nơi trên thế giới), tôi cũng có vài điều kiện: Một phòng khách sạn tốt với thật nhiều không gian và một chiếc bàn lớn, một màn hình to, đường truyền internet tốt và một số thỏa thuận vận chuyển để đưa đón tôi giữa khách sạn và trụ sở của khách hàng khi cần thiết. Đó là bởi vì tôi có hiệu suất tốt nhất khi ngồi yên và làm việc trong phòng khách sạn.
Nghe có vẻ sang chảnh đúng không? Nhưng đối với tôi, đây là cách để mình tối đa hóa năng suất và khách hàng không phải quan tâm miễn là tôi trình bày được những giải pháp hoạt động hiệu quả và do tôi có thể làm việc với hiệu suất tốt nhất của mình, tôi có thể đưa ra các kết quả rất nhanh và mọi người đều vui vẻ, một thỏa thuận win-win.
Tất nhiên, tôi sẽ phải điều chỉnh theo thế giới thực khi cần thiết, ví dụ, các cuộc họp với khách hàng. Đây có lẽ là lúc duy nhất tôi cần đến đồng hồ báo thức.
Khi làm việc mà không cần đến bất kỳ đồng hồ nào, dường như tôi sẽ hòa vào nhịp điệu ngủ vào buổi sáng và dậy lúc giữa trưa. Tùy thuộc vào deadline của công việc, thời gian “ban ngày” của tôi (khi tôi thức dậy) có thể dài hơn thông thường, không phải chu kỳ 24 giờ mỗi ngày, mà có thể lên tới 28 tiếng hoặc thậm chí 30 tiếng mỗi ngày. Điều đó là do việc thay đổi thời điểm “ban đêm” của tôi (khi bắt đầu đi ngủ) một vài tiếng mỗi ngày cho đến khi tôi quay lại nhịp sống bình thường của thế giới thực.
Và quay lại câu hỏi ban đầu. Lập trình viên thường làm buổi đêm bởi vì nó là thời gian tối ưu nhất cho họ để làm việc, khi không có điện thoại, không email hay không có ai nhìn qua vai họ.”
Nói vậy không có nghĩa bạn sẽ thấy các công ty IT với văn phòng vắng vẻ vào ban ngày và đông đúc vào ban đêm. Nó không có nghĩa là mọi lập trình viên đều là những con cú đêm với quầng mắt thâm tím, đó là việc mỗi lập trình viên phải xác định được thời gian làm việc hiệu quả nhất của mình và cách thức để team work với các thành viên khác trong nhóm.
TechTalk via Genk