THIẾT KẾ GAME – CUỘC CHƠI KHÔNG DÀNH CHO TAY MƠ

Published by:

Từ những cuộc săn rồng trong Skyrim cho đến những giây phút thăng hoa trên sân khấu với Guitar Hero – liệu đã có lúc nào bạn đặt tay cầm xuống và nghĩ về sự hình thành của những huyền thoại này.

Trong thời buổi công nghệ đang phát triển với tốc độ như vũ bão, games giờ đây đã mạng một diện mạo hoàn toàn khác. Một thế giới với sức hút vô cùng lớn, với những hình ảnh, màu sắc, âm thanh với độ chân thực không hề thua kém gì thế giới thực, nơi các gamers có thể đắm chìm trong những cuộc phiêu lưu của riêng mình. Từ những cuộc săn rồng trong Skyrim cho đến những giây phút thăng hoa trên sân khấu với Guitar Hero – liệu đã có lúc nào bạn đặt tay cầm xuống và nghĩ về sự hình thành của những huyền thoại này?
Được xem như những con gà đẻ trứng vàng trong ngành công nghiệp game hiện đại, game-makers cần hội tụ đủ nhiều khả năng, không thể thiếu trong số đó là kỹ năng tạo hình như một họa sỹ, và kỹ năng sáng tác câu chuyện như một nhà văn. Nhưng trên hết, họ cần sở hữu những kỹ năng cơ bản về phần mềm và lập trình, từ đó chuyển những hình ảnh và câu chuyện của mình lên một tựa game.

Một tay thiết kế games tài năng cần biến tác phẩm của mình thành một câu chuyện thực sự, với đầy đủ những nút thắt, những kịch tính được đẩy lên cao trào, cùng với đó là môi trường âm thanh và đồ họa sống động như thật. Đó là điều kiện cần thiết để đứa con của họ có thể sống sót trong thị trường game với tính cạnh tranh cao độ.
Vậy, họ đã làm điều đó như thế nào? Thiết kế games, liệu có đơn giản chỉ là việc nghịch ngợm những phần mềm, những dòng code vô nghĩa? Hãy cùng Genk tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Thiết kế game – Những bước đầu tiên
Cũng giống như bất cứ công việc thiết kế nào khác, điều đầu tiên bạn cần là một cái khung. Lập khung cho một tựa game, về cơ bản, khá giống với việc xây dựng một bộ phim. Bạn cần một câu chuyện, những tình tiết và những nhân vật – cụ thể, bạn cần một kịch bản trong tay.
Kịch bản này sẽ là nền tảng cho đứa con của bạn. Thậm chí, kịch bản đã phải nằm trong đầu bạn trước khi bạn bắt tay vào việc thiết kế. Một tựa game không được đặt kịch bản tốt sẽ giống như một viên sạn khó nuốt đối với người chơi, bất kể đồ họa có đỉnh đến cỡ nào đi nữa.

Về cơ bản, khâu thiết kế kịch bản có thể được hiểu như việc bạn nghĩ ra ý tưởng cho các nhân vật, cũng như các cảnh quay của mình, sau đó sắp xếp chúng theo thứ tự. Nó giống như việc đặt ra một chuỗi các tình tiết cho nhân vật của bạn, đưa nhân vật ấy liên tiếp đối mặt với những thử thách có độ khó tăng dần. Để giải quyết những thách thức ấy, nhân vật của bạn cần đến những kỹ năng nhất định – cụ thể là gì, điều đó hoàn toàn do bạn lựa chọn.
Cùng với kịch bản, thứ tiếp theo bạn cần đến là một tài liệu lưu trữ mọi khía cạnh liên quan đến trò chơi. Từ menu, items, skills cho đến câu chuyện của từng nhân vật. Càng cụ thể càng tốt, và đặc biệt, mọi thứ cần được sắp đặt theo thứ tự nhất định.

Xây dựng nhân vật cũng là một yếu tố hết sức quan trọng. Đây sẽ là phần ghi điểm nhiều nhất trong mắt người chơi, do đó, bạn cần dành cho những nhân vật của mình mối quan tâm tương xứng. Từ khuôn mặt, tính cách, câu chuyện của nhân vật cho đến những thứ hết sức nhỏ nhặt như nụ cười, trang phục…, bạn cần bảo đảm mọi thứ đều hoàn hảo.

Xây dựng môi trường tương tác trong game là một trong những tiêu chuẩn để phân biệt một tựa game hay hay dở. Không giống như việc làm phim, việc xây dựng khung cảnh cho một trò chơi hoàn toàn phụ thuộc vào tay thiết kế. Hãy để trí tưởng tượng của bạn bay càng xa càng tốt. Bạn có trong tay rất rất nhiều thứ hỗ trợ cho mình, một trong số đó là các hiệu ứng. Hãy lấy ví dụ với những bước chân trong games – bạn hoàn toàn có thể thêm vào những hiệu ứng để tăng thêm tính chân thực – tiếng lá lạo xạo dưới chân, hay tiếng vang vọng của nó trong một hang động…
Phần mềm – tay trợ thủ đắc lực
Khi cốt truyện, những nhân vật và những khung cảnh đã được xây dựng xong, giờ là lúc bạn cần đến những phần mềm để biến chúng thành thực tế.

Có rất nhiều chương trình phần mềm dành cho việc thiết kế games cho phép bạn thử sức mà không cần đến những dãy code khô khan và nặng nề. Giao diện và cách sử dụng của chúng cũng hết sức thân thuộc, với thao tác kéo-và-thả hay những cú double click. Về cơ bản, có thể chia những phần mềm này thành 3 nhóm : 3D, 2D và những phần mềm chuyên dụng cho thiết kế game RPG.
DarkBASIC là cái tên nổi tiếng nhất trong thể loại 3D Game Makers Software. Phiên bản DarkBASIC Pro chủ yếu phục vụ cho những tay chuyên nghiệp, trong khi những phiên bản khác là dành cho những người có sở thích “táy máy”.

Trong khi đó, Game Editor là phần mềm cực kỳ nổi tiếng ở mảnh đất 2D. Với cách dùng đơn giản, giao diện cực kỳ thân thiện với người dùng, bạn sẽ dễ dàng làm quen với nó chỉ sau vài thao tác đầu tiên. Nếu bạn có ý định tạo ra một mini game, hoặc một trò chơi trên điện thoại di động, phần mềm này sẽ là thứ đầu tiên bạn cần đến.

Hầu hết các phần mềm này không đòi hỏi quá nhiều kiến thức về coding. Tự bản thân chúng đã cung cấp những bước hết sức đơn giản và trực quan mà không cần đến một mã nguồn nào. Nếu bạn có ý tưởng và những kỹ năng sử dụng máy tính cơ bản, bạn hầu như sẽ không gặp nhiều rắc rối khi sử dụng chúng.
Chính bởi tính năng đơn giản này, cùng với sức mạnh ở tầm trung, thế giới phát triển game trước đây vốn bó hẹp trong phạm vi chỉ dành cho giới chuyên nghiệp, giờ đây đã được mở rộng đến với tất cả những ai có niềm đam mê.
Coding – nơi dành cho những tay chuyên nghiệp
Nếu bạn muốn đứa con của mình thực sự khác biệt với phần còn lại, bạn cần có kiến thức về những dòng code khô khan và nặng nề. Làm thế nào để đọc và viết ra chúng – những kiến thức này sẽ trở nên rất hữu ích với bạn. Một quy tắc bất di bất dịch trong việc làm game: Mã nguồn càng tiên tiến, đồ họa và hiệu ứng của trò chơi sẽ càng được nâng cao.

Hàng loạt những phần mềm vừa được nêu tên ở phần trên sở dĩ đơn giản và tiện dụng vì chúng làm việc dựa trên những dòng code có sẵn. Những dòng code được thiết kế thủ công, tuy cồng kềnh và phức tạp hơn, nhưng hiệu quả mang lại thực sự xứng đáng với công sức bạn bỏ ra.
Hãy cùng lấy ví dụ với việc thiết kế Item. Những dòng code có sẵn sẽ giới hạn bạn trong một vài loại vũ khí, hoặc một vài màu sắc đơn giản. Nhưng nếu thứ bạn cần đến là một thanh Frostmourne lạnh lẽo đang không ngừng thì thầm vào tai bạn – bạn sẽ cần đến những dòng code cực kỳ phức tạp.

Những dòng code này, theo một khía cạnh nào đó, có thể được hiểu đơn giản như là Engine của game. Những engine “khủng bố” sẽ có khả năng thực hiện hàng tỷ những phép tính phức tạp chỉ trong nháy mắt. Cùng với đó, nó cũng góp phần xây dựng kết nối (LAN hoặc Internet) với những máy tính khác, cũng như việc duy trì hoạt động của khung cảnh, đồ họa và âm thanh.
Nhiều loại Code khác nhau đã và đang được sử dụng, trong đó những cái tên phổ biến nhất có thể được kể đến là C++, Python, Visual Basic, Perl…
Kết
Cùng với sự phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp games, giờ đây, công việc thiết kế games đang trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Bạn hoàn toàn có thể bắt đầu với một vài phần mềm thông dụng, nhưng việc tạo những cái tên như Skyrim hay WoW lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nếu như máu làm game đang sôi sùng sục trong đầu bạn, đừng chần chừ gì nữa, hãy tự mình thử sức, biết đâu sẽ có lúc cái tên bạn xuất hiện trên GenK như một nhà thiết kế game đầy tài năng?
Tham khảo: Howstuffworks